Những lưu ý khi đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài là một trong những hoạt động mà Nhà nước khuyến khích các nhà đầu tư tại Việt Nam thực hiện. Việc đầu tư ra nước ngoài giúp doanh nghiệp mở rộng được thị trường tại nước ngoài, tìm kiếm nguồn lực sản xuất, tiếp cận chuyển giao công nghệ, để mục tiêu cuối cùng là tìm kiếm lợi nhuận.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài được bắt đầu từ năm 1989 với chỉ một dự án, đến nay hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đã có nhiều chuyển biến quan trọng, số lượng dự án và vốn đầu tư gia tăng đáng kể.

Nhà nước quản lý tiền vốn đầu tư ra nước ngoài thông qua thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối tại Ngân hàng nhà nước nơi doanh nghiệp có trụ sở chính.

Hiện nay, đối với việc cấp phép đầu tư ra nước ngoài được điều chỉnh tại Luật Đầu tư và cơ quan cấp phép là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với việc quản lý hoạt động chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài, được quy định tại Thông tư 12/2016/TT-NHNN do Ngân hàng nhà nước cấp xác nhận.

Bài viết này sẽ đề cập đến một số vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp dễ gặp vướng mắc trên thực tế, khi thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

 

 

 

 

 

 

Thứ nhất, vốn đầu tư để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài

Nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài gồm tiền và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư, bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay tại Việt Nam chuyển ra nước ngoài, lợi nhuận thu được từ dự án đầu tư ra nước ngoài được giữ lại để thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có quy định về điều kiện đối với nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài. Điển hình, đối với nhà đầu tư là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư ra nước ngoài phải là vốn chủ sở hữu, trong đó không bao gồm vốn góp để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Để hiểu chi tiết, các bạn có thể tham khảo thêm bài viết về vốn đầu tư ra nước ngoài của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại đây.

Vốn đầu tư cũng là một trong những điều kiện cần phải đáp ứng khá quan trọng trong quá trình xem xét và thẩm định để cấp phép đầu tư ra nước ngoài cho nhà đầu tư.

Thứ hai, loại ngoại tệ đăng ký chuyển ra nước ngoài

Khi thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư sẽ tự kê khai loại ngoại tệ mà mình sẽ dùng để chuyển ra nước ngoài, thông thường ngoại tệ này sẽ là đồng tiền sử dụng của nước tiếp nhận đầu tư. Khi đăng ký, nhà đầu tư sẽ đăng ký đồng tiền này và quy đổi tương đương ra đồng đô-la Mỹ (USD).

Nguyên tắc quản lý ngoại hối của Ngân hàng nhà nước là sẽ không chấp nhận cho nhà đầu tư chuyển thừa ngoại tệ ra nước ngoài. Cơ sở để xem xét việc chuyển thừa là sẽ dựa vào vốn điều lệ/vốn đầu tư được ghi nhận trên giấy phép công ty/quyết định thành lập/chấp thuận góp vốn, mua cổ phần được cơ quan nhà nước tại nước tiếp nhận đầu tư cấp phép hoặc theo hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký giữa các bên. Vì vậy, ở đây cần lưu ý, số tiền ngoại tệ đăng ký chuyển ra nước ngoài tối đa là số tiền vốn đầu tư được ghi nhận trên các giấy phép/chấp thuận được cấp bởi nước tiếp nhận đầu tư hoặc số tiền góp theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Để tránh được những rủi ro về chênh lệch tỷ giá, khi đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư nên đăng ký đồng ngoại tệ là đồng tiền của nước tiếp nhận đầu tư, không nên đăng ký đồng tiền chung đô-la Mỹ.

Thứ ba, tên tổ chức kinh tế ở nước ngoài đối với trường hợp thành lập tổ chức kinh tế

Về trình tự theo quy định, trước khi thành lập tổ chức kinh tế, góp vốn/mua cổ phần, thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh ở nước ngoài, nhà đầu tư phải đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, để tiết kiệm thời gian, nhà đầu tư thường thực hiện song song thủ tục ở cả Việt Nam và ở nước tiếp nhận đầu tư. Vì vậy, một vấn đề dễ xảy ra là tên tổ chức kinh tế được ghi nhận trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài khác với tên tổ chức kinh tế được nước tiếp nhận đầu tư cấp phép, việc này xảy ra thường xuất phát từ lý do là thời điểm đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài thì giấy phép công ty tại nước tiếp nhận đầu tư chưa được cấp, có thể tên bị trùng hoặc một số quy định đặc thù về đặt tên của nước tiếp nhận đầu tư.

Trường hợp nếu có sự khác nhau về tên tổ chức kinh tế ở nước ngoài thì nhà đầu tư cần phải tiến hành thủ tục cập nhật tên tổ chức kinh tế ở nước ngoài trên hệ thống đăng ký đầu tư trước khi thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối, nếu không Ngân hàng nhà nước sẽ từ chối và không cấp xác nhận.

Thứ tư, về bộ hồ sơ để nộp đăng ký giao dịch ngoại hối tại Ngân hàng nhà nước

Thành phần hồ sơ, cũng như trình tự thủ tục liên quan đến đăng ký giao dịch ngoại hối, được quy định cụ thể tại Thông tư 12/2016/TT-NHNN, nhà đầu tư thực hiện đầy đủ thì sẽ được Ngân hàng nhà nước cấp xác nhận đúng hạn.

Các bạn có thể tham khảo chi tiết về trình tự, thủ tục và hồ sơ đăng ký giao dịch ngoại hối tại đây.

Trên đây là một số lưu ý trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến đầu tư ra nước ngoài. Hi vọng bài viết này hữu ích cho các bạn.