Hòa giải thương mại tại Việt Nam – Những điều cần biết!

Hòa giải thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả mặc dù hình thành muộn hơn các cơ chế giải quyết tranh chấp khác.

Tại Mỹ, cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải thương mại được hình thành từ thập niên 1970 bởi CPR (International Institute for Conflict Prevention & Resolution) – xuất phát từ mục tiêu ban đầu là tìm ra một cơ chế giảm được chi phí kiện tụng. Tại Anh, cơ chế này cũng đã đi vào hoạt động từ thập niên 1970 – 1980 bởi CEDR – Trung tâm Giải quyết tranh chấp hiệu quả được ra đời vào năm 1990. Hiện nay, hầu hết các hòa giải viên tại các nước trên thế giới đều được đào tạo và cấp chứng chỉ tại hai trung tâm này.

Tại Việt Nam, phương thức hòa giải nói chung cũng đã xuất hiện từ rất lâu. Trong lệnh về xét xử việc anh em ruột tranh giành kiện tụng được vua Lê Thánh Tông ban bố ngày 20/7/1476 (năm Hồng Đức thứ 7) có quy định: “Quan cai trị thường xem nhân tài giỏi hay kém thì biết đời sống nhân dân sướng hay khổ, muốn cho việc kiện tụng giảm bớt đều do xã trưởng khuyên giải…”. Tuy nhiên, hòa giải thương mại nói riêng thì mới được điều chỉnh chính thức từ năm 2017 bởi Nghị định 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Ở Việt Nam, hòa giải thương mại chưa phải là cơ chế bắt buộc các bên phải thực hiện trước khi khởi kiện ra cơ quan giải quyết tranh chấp là Tòa án hoặc Trọng tài. Nhưng ở một số nước phát triển như Anh, Mỹ, hòa giải thương mại gần như là cơ chế được yêu cầu các bên phải tiến hành trước khi khởi kiện vụ việc ra Tòa án hoặc Trọng tài.

Vậy:

  • Hòa giải thương mại là gì?
  • Ưu điểm của hòa giải thương mại?
  • Các trường hợp nào nên và không nên sử dụng phương thức hòa giải thương mại?
  • Kết quả giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải thương mại có tính pháp lý không?

1. Hòa giải thương mại là gì?

Theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP, hòa giải thương mại là: “Phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này”.

Từ định nghĩa này, thì hòa giải thương mại chỉ được áp dụng nếu các bên có thỏa thuận. Trong tiến trình giải quyết tranh chấp, hòa giải viên thương mại làm người trung gian để hỗ trợ hòa giải cho các bên.

2. Ưu điểm của hòa giải thương mại

Trong các hợp đồng hợp tác, hợp đồng kinh tế gọi chung là hợp đồng, ở điều khoản giải quyết tranh chấp, các bên thường quy định: “Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, các bên trước hết phải nỗ lực tối đa để giải quyết bằng hình thức thương lượng, hòa giải. Hình thức thương lượng, hòa giải mà hay được đề cập trong hợp đồng hiện này hầu hết là việc tham gia thương lượng, hòa giải giữa hai bên trong tranh chấp. Vì vậy mà nhiều người dễ có sự nhầm lẫn giữa phương thức hòa giải, thương lượng do các bên tự thực hiện so với hòa giải thương mại.

Một số điểm khác biệt và được xem là ưu điểm đặc trưng của hòa giải thương mại so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác có thể kể đến như:

  • Một, tỷ lệ thành công của phương thức hòa giải thương mại thường cao hơn so với việc các bên tự thương lượng, hòa giải với nhau mà không có bên thứ ba.
  • Hai, tính thực thi cao. Đặc trưng của hòa giải thương mại là hòa giải viên sẽ là người đóng vai trò hỗ trợ, giúp đỡ các bên để các bên tự nguyện đưa ra phương án giải quyết, do đó việc các bên tự nguyện thi hành cũng cao hơn so với phương thức khởi kiện ra Tòa án hay Trọng tài, hay nói cách khác là tỷ lệ  “thi hành án” cao hơn.
  • Ba, uy tín và quan hệ hợp tác giữa các bên trong quan hệ tranh chấp được duy trì. Việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải thương mại thường sẽ do các bên ngồi lại, tìm ra tiếng nói chung và đưa ra phương án giải quyết, vì vậy mà sau khi tìm được tiếng nói chung thì quan hệ hợp tác, uy tín giữa các bên vẫn có khả năng cao được duy trì tiếp tục.
  • Bốn, quy trình giải quyết tranh chấp linh hoạt và sáng tạo gồm các phiên họp chung và phiên họp riêng tùy theo sự điều hướng của hòa giải viên thương mại phụ trách vụ việc, không có quy trình luật định và thời gian kéo dài như quy trình tố tụng Tòa án và Trọng tài.
  • Năm, thời gian giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại ngắn hơn do quy trình nhanh chóng và linh hoạt.
  • Sáu, giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải thương mại mang tính bảo mật hoàn toàn, vì vậy giúp các bên bảo mật được thông tin, tránh nguy cơ ảnh hưởng tới uy tín và hoạt động kinh doanh của mình.
  • Bảy, nếu hòa giải thành công sẽ tiết kiệm được chi phí do thời gian giải quyết ngắn.

3. Các trường hợp nên và không nên sử dụng phương thức hòa giải thương mại

3.1. Trường hợp nên sử dụng phương thức hòa giải thương mại

Từ những ưu điểm nổi bật của phương thức hòa giải, có thể rút ra được một số trường hợp nên sử dụng phương thức hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp như sau:

  • Các bên có mong muốn tiếp tục giữ quan hệ hợp tác trong tương lai.
  • Các bên mong muốn nhanh chóng tìm ra được phương án giải quyết.
  • Các bên hiểu rằng việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài sẽ tốn nhiều thời gian, chi phí của các bên và ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của các bên.
  • Các bên mong muốn xung đột, mâu thuẫn được giải quyết trong “im lặng”, không rò rỉ thông tin ra bên ngoài làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các bên.
  • Các bên đã có kinh nghiệm giải quyết tranh chấp và hiểu rõ ưu điểm của phương thức hòa giải thương mại.

3.2. Trường hợp không nên sử dụng phương thức hòa giải thương mại

Không phải trường hợp nào việc sử dụng phương thức hòa giải thương mại cũng mang lại hiệu quả, trong một số trường hợp nếu không nhận diện được đầy đủ sự việc, việc sử dụng hòa giải thương mại không mang lại kết quả, các bên tiếp theo phải đưa vụ việc ra cơ quan giải quyết tranh chấp là Tòa án hoặc Trọng tài sẽ làm tốn thêm thời gian và chi phí cho các bên. Vì vậy, cần nhận định được trường hợp nào, trong bối cảnh nào thì không nên sử dụng phương thức hòa giải thương mại. Đó có thể kể đến là:

  • Một trong các bên không thiện chí và cố ý kéo dài thời gian, tận dụng thời gian trì hoãn cho những mục đích khác.
  • Một trong các bên cần cơ sở pháp lý để thực hiện như là phải có quyết định của Tòa án hoặc Trọng tài thì mới thực hiện được.

Trên đây là một số trường hợp điển hình đúc kết từ thực tiễn. Bản thân các bên trong quan hệ tranh chấp thường khó để đánh giá toàn diện trường hợp nào nên sử dụng cơ chế giải quyết nào cho phù hợp. Vì vậy, giải pháp tốt nhất là hãy tham vấn ý kiến từ luật sư.

4. Kết quả giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải thương mại có tính pháp lý không?

Kết quả của việc giải quyết tranh chấp thông qua phương thức hòa giải thương mại là văn bản về kết quả hòa giải thành, có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự. Để có cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thi hành theo thỏa thuận này, các bên có thể thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, trên thực tế, một khi các bên đã hòa giải thành thì việc các bên tự nguyện thực hiện là tương đối cao, mà không cần thiết phải qua thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận để thi hành án. Việc này chỉ nên tiến hành nếu quá thời hạn thỏa thuận mà bên có nghĩa vụ không thực hiện theo văn bản thỏa thuận hòa giải đã được các bên ký kết.

Dù các bên có thi hành hay không thì kết quả thỏa thuận bằng văn bản được hai bên ký kết vẫn có giá trị pháp lý. Việc một bên không thi hành không đồng nghĩa với việc thỏa thuận hòa giải đã ký kết không còn giá trị.

Hiện nay, khi tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp tại Tòa án hay Trọng tài đều sẽ có giai đoạn hòa giải, gọi là hòa giải trong tố tụng. Bản chất của hòa giải trong tố tụng cũng là có một bên thứ ba đứng ra hỗ trợ cho các bên đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn giữa hòa giải trong tố tụng và hòa giải thương mại (ngoài tố tụng) là ở quy trình và cách thực hiện. Sự khác biệt này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ hòa giải thành hay không thành.

Với mong muốn dĩ hòa vi quý và hướng đến việc duy trì mối quan hệ hợp tác kinh doanh trong tương lai thì phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại sẽ là lựa chọn tốt mà các doanh nghiệp hướng đến để giải quyết tranh chấp trong kinh doanh.