Các bước để khởi kiện thu hồi công nợ hợp đồng thi công xây dựng

Hợp đồng thi công xây dựng là loại hợp đồng tương đối phức tạp, có giá trị cao. Vì vậy, mà các tranh chấp trong hợp đồng này cũng tương đối phổ biến. Trong đó tranh chấp hay gặp phải nhiều nhất là liên quan đến vấn đề công nợ. Để việc thu hồi công nợ được nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí của các bên thì việc thực hiện đúng các bước để khởi kiện đòi nợ hợp đồng thi công xây dựng là tương đối quan trọng.

Đối với hợp đồng thi công xây dựng, dễ dàng nhận thấy vị thế giữa hai bên trong hợp đồng ở thế không thực sự cân bằng. Thông thường, chủ đầu tư là đơn vị giao thầu, trả tiền sẽ có vai trò quyết định nhiều hơn, vì vậy mà chủ đầu tư sẽ là người được quyết định luật chơi và cuộc chơi nhiều hơn trong hợp đồng. Chính vì vậy, mà trên thực tế có khá nhiều trường hợp, nhà thầu sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thi công của mình nhưng không đòi được tiền từ chủ đầu tư.

Dưới đây là các bước để bên thi công/nhà thầu có thể tham khảo trong tiến trình thu hồi công nợ:

Bước 1. Xác định vi phạm nghĩa vụ của bên vi phạm theo hợp đồng

Căn cứ theo Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Việc xác định vi phạm nghĩa vụ của bên vi phạm theo hợp đồng thi công xây dựng là để đảm bảo rằng bên bị vi phạm có thể đủ điều kiện để khởi kiện bên kia. Bên bị vi phạm cần tổng hợp đầy đủ chứng cứ để chứng minh bên kia đã có hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên.

Bước 2. Tiến hành bước thương lượng, hòa giải trước khi khởi kiện

Đối với những hợp đồng thi công xây dựng mà hai bên có thỏa thuận về việc khi xảy ra xung đột, sẽ ưu tiên việc thương lượng, hòa giải trước khi tiến hành khởi kiện vụ việc ra Tòa án có thẩm quyền thì để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng, bên có nghĩa vụ bị vi phạm nên tiến hành việc mời họp, thương lượng hòa giải với bên vi phạm.

Cần lưu ý đối với bước này, việc mời họp hòa giải, thương lượng nên được thực hiện bằng văn bản. Tại các phiên họp nên ghi lại biên bản có xác nhận của hai bên để làm chứng cứ sau này khởi kiện ra Tòa.

Nếu việc thương lượng, hòa giải giữa hai bên khó thực hiện thì các bên có thể cân nhắc sử dụng cơ chế hòa giải thương mại, hòa giải có một bên trung gian đứng là tiến hành, việc này sẽ giúp các bên dễ đạt được thương lượng hơn so với việc chỉ có hai bên tham gia.

Bước 3. Tổng hợp, thu thập, hoàn thiện tài liệu chứng cứ phục vụ cho việc khởi kiện

Tài liệu, chứng cứ có vai trò đặc biệt khi khởi kiện vụ việc ra Tòa án, vì vậy nếu nghĩa vụ bị vi phạm nhưng bên bị vi phạm không có tài liệu chứng cứ chứng minh thì khả năng để thành công trong việc khởi kiện thu hồi công nợ là rất thấp.

Trước khi tiến hành khởi kiện ra Tòa án, bên bị vi phạm cần thu thập đầy đủ các tài liệu như: Hợp đồng có chữ ký, đóng dấu của hai bên, báo giá, biên bản nghiệm thu từng phần/toàn phần, các phiếu đề nghị thanh toán, hóa đơn chứng từ xác nhận việc thanh toán, bảng quyết toán khối lượng, các tài liệu chứng minh bên vi phạm vi phạm nghĩa vụ,…

Bước 4. Tiến hành việc khởi kiện

Hiện nay, đương sự có thể chọn khởi kiện tại Tòa án hoặc Trọng tài. Nếu muốn khởi kiện tại Trọng tài thì các bên phải có thỏa thuận.

Khởi kiện tại Tòa án hay Trọng tài đều phải tuân theo trình tự, thủ tục luật định và tương đối phức tạp. Vì vậy, bên muốn khởi kiện nên tham vấn ý kiến từ luật sư để tiết kiệm thời gian và chi phí.

Trên đây là các bước mà bên thi công có thể tham khảo và thực hiện cho quá trình thu hồi công nợ từ chủ đầu tư để đảm bảo tiến trình được thực hiện nhanh chóng, tối đa hóa bài toán về chi phí cho bên thi công.