Chia sẻ cách để cải thiện kỹ năng viết cho người hành nghề Luật

Kỹ năng viết là một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng đối với người hành nghề Luật. Mặc dù, nhắc đến nghề Luật hay là Luật sư thì phần lớn mọi người đều có suy nghĩ là làm nghề Luật thì kỹ năng nói, trình bày là quan trọng nhất. Tuy nhiên kỹ năng viết cũng quan trọng và cần thiết tương đương với kỹ năng nói. Nói hay viết thì cũng đều là cách thức để chúng ta truyền tải nội dung tư vấn của chúng ta đến khách hàng.

Phần lớn trong thời gian đầu đi làm, mọi người đều gặp nhiều khó khăn với kỹ năng viết, do chưa có nhiều kinh nghiệm làm các công việc liên quan đến viết như viết thư tư vấn, viết ý kiến pháp lý, viết bảng tin pháp lý, v.v. Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ chia sẻ đến các bạn các tips để có thể cải thiện kỹ năng viết cho người hành nghề Luật để giúp các bạn cải thiện được kỹ năng viết của mình.

1. Xác định loại bài viết mà mình cần viết

Thông thường đối với nghề Luật thì các loại bài viết thông dụng bao gồm: Viết email tư vấn, trao đổi làm việc với khách hàng; Soạn thảo thư tư vấn, ý kiến pháp lý; Soạn thảo hợp đồng; Soạn hồ sơ để thực hiện các thủ tục hành chính; Viết bài viết blog, v.v

Việc xác định loại bài viết cần viết rất quan trọng, vì mỗi dạng văn bản sẽ có một cách viết khác nhau. Cách viết bài viết tư vấn qua email sẽ khác hoàn với viết tư vấn qua thư tư vấn. Xác định được loại văn bản, sau đó tìm kiếm đúng form mẫu, cách viết như thế nào sẽ giúp chúng ta viết chuẩn và tiết kiệm thời gian rất nhiều.

2. Tìm kiếm form mẫu và đọc nhiều loại tài liệu

Chắc chắn một người lười đọc thì không thể viết tốt. Nếu phần viết ra nó là output thì phần đọc sẽ là input. Không có đầu vào thì không thể có đầu ra tốt được. Đặc biệt, nếu các bạn đã chọn con đường làm nghề Luật thì không thể lười đọc được.

Để cải thiện kỹ năng viết của bạn là bạn nên đọc và nghiên cứu nhiều. Đọc nhiều các tài liệu pháp luật, tài liệu nghiên cứu và các báo cáo pháp lý sẽ giúp bạn phát triển khả năng viết và cung cấp cho bạn một mô hình cho phong cách viết của mình.

Về nguồn form mẫu tham khảo thì bạn có thể tìm từ tài liệu của công ty bạn đang làm. Ngoài ra, các bạn có thể chủ động tìm kiếm và học hỏi thêm từ trên internet, bạn bè của mình.

Hãy chú ý đến cách các những người đi trước hoặc các tác giả bài viết họ diễn đạt ý tưởng của họ, cách họ xây dựng câu, đoạn văn và thể hiện những quan điểm của mình. Hãy chú ý đến cách các tác giả sử dụng từ vựng và ngữ pháp để truyền đạt ý nghĩa của mình.

Việc search ra nhiều form mẫu, đọc nhiều tài liệu sẽ giúp các bạn có một data đầu vào tốt, từ đó sẽ giúp các bạn rất dễ dàng viết bài viết của mình.

3. Cấu trúc và nội dung chính của bài viết

Sau khi đã xác định được loại bài viết mình cần phải viết và tham khảo được form mẫu, tài liệu thì các bạn bắt đầu tới phần lên kế hoạch cho bài viết, cụ thể là sẽ tạo ra các gạch đầu dòng cho các nội dung chính trong bài viết.

Trước khi viết bài, hãy lập kế hoạch và tạo một bản dự thảo trước. Bạn nên quyết định chủ đề và nội dung chính của bài viết trước khi bắt đầu viết. Điều này sẽ giúp bạn tập trung vào ý chính và cải thiện sự lưu loát trong việc trình bày ý tưởng. Lỗi sai hay gặp là bài viết ban đầu có thể muốn viết 5 nội dung chính nhưng do bạn chưa gạch ra 5 nội dung chính này mà tập trung ngay vào nội dung đầu tiên rồi viết hết chi tiết của nội dung đầu tiên, sau đó quên luôn là 4 nội dung còn lại định viết cái gì.

4. Phân tích đối tượng đọc

Trong suốt nhiều năm hành nghề cũng như đào tạo cho đội ngũ của mình, tôi nhận thấy việc phân tích đối tượng đọc bài viết của mình rất quan trọng. Tốt nhất là hãy đặt mình vào vị thế của người đọc để viết ra một bài viết phù hợp. Đừng chỉ viết điều mình muốn mà không quan trọng người đọc họ tiếp nhận như thế nào.

Đối tượng đọc của bạn là ai? Trong ngành Luật, việc phân tích đối tượng đọc là rất quan trọng. Viết cho người đọc khác nhau đòi hỏi bạn phải sử dụng phong cách viết khác nhau. Đối với khách hàng, bạn cần sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu và tránh sử dụng các thuật ngữ pháp lý quá phức tạp. Đối với đồng nghiệp trong ngành Luật, bạn cần sử dụng ngôn ngữ chuyên môn, các thuật ngữ pháp lý và các quy tắc viết khác.

5. Viết đơn giản và trực tiếp

Khi viết về Luật, bạn nên sử dụng phong cách viết trực tiếp và đơn giản. Tránh sử dụng câu văn phức tạp và đoạn văn dài. Hãy viết ngắn gọn, trực tiếp và tập trung vào ý chính. Điều này sẽ giúp người đọc hiểu rõ và có được điều họ cần.

Sử dụng ngôn từ phù hợp là một yếu tố quan trọng để truyền đạt ý nghĩa của bạn một cách chính xác. Trong ngành Luật, việc sử dụng các thuật ngữ pháp lý đúng cách là rất quan trọng để tránh hiểu nhầm và tranh chấp về ý nghĩa của các văn bản pháp lý. Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý rằng việc sử dụng quá nhiều thuật ngữ pháp lý có thể làm cho bài viết của bạn trở nên khó hiểu đối với người đọc không có kiến thức pháp lý.

6. Viết, xóa, viết và chỉnh

Cách để có một bài viết hay là đầu tiên chúng ta cần phải bắt đầu viết, dù cho viết rồi xóa, viết rồi xóa. Nếu ngồi đó suy nghĩ mà không bắt tay vào viết thì tất nhiên là chúng ta sẽ không có bài viết nào cả.

Thông thường những đoạn đầu tiên khi viết, chúng ta sẽ không có ngay một kết quả tốt. Nhưng đối với kỹ năng viết, đòi hỏi một sự kiên trì thực hành và luyện tập.

Đối với nghề Luật, viết là để truyền tải đến người đọc nội dung tư vấn, kinh nghiệm chuyên môn của mình. Vì vậy, trước khi có một bài viết hay chúng ta ưu tiên trước cho một bài viết đúng cái người đọc cần. Khi bạn viết thường xuyên hơn thì ngôn ngữ, cách trình bày câu từ cũng sẽ tốt dần lên.

Sửa chữa và chỉnh sửa bài viết là một bước quan trọng để cải thiện kỹ năng viết của bạn. Sau khi hoàn thành bài viết của mình, hãy đọc lại toàn bộ bài viết và sửa chữa những sai sót về ngữ pháp, chính tả và cấu trúc câu. Bạn cũng nên kiểm tra xem bài viết của mình có truyền đạt đúng ý của mình hay không. Ngoài ra, bạn cũng nên xem xét việc nhờ người khác đọc lại bài viết của bạn để đưa ra ý kiến đánh giá và góp ý cho bạn.

7. Luyện tập viết thường xuyên

Cuối cùng, để cải thiện kỹ năng viết của mình, bạn cần luyện tập viết thường xuyên. Viết một bài luận, một báo cáo hoặc một tài liệu pháp lý hàng tuần sẽ giúp bạn nâng cao kỹ năng viết của mình và trở thành một luật sư hiệu quả hơn.

Tôi khuyên các bạn nên tạo một blog để viết về những đề tài mà mình quan tâm và mong muốn chia sẻ, hoặc viết trên trang mạng xã hội của mình.

Việc thực hành, luyện tập viết mỗi ngày sẽ giúp các bạn cải thiện được kỹ năng viết của mình.

Hi vọng bài viết hữu ích cho các bạn.