Kỹ năng research một vấn đề pháp lý

Nghiên cứu hay còn gọi là research một vấn đề pháp lý là một công việc phổ biến đối với sinh viên luật và người hành nghề luật sư. Công việc này đòi hỏi người thực hiện phải kết hợp những kỹ năng cứng và kỹ năng mềm để đạt được kết quả tốt nhất. Chính vì vậy, để làm tốt loại công việc này, người thực hiện cũng cần được trang bị các kỹ năng cơ bản cũng như quy trình thực hiện.

Research là việc tìm kiếm, nghiên cứu và đánh giá các thông tin hữu ích liên quan đến một vấn đề hoặc một chủ đề cụ thể. Vấn đề pháp lý là những câu hỏi, vấn đề trọng tâm cần được tranh luận hoặc cần được giải quyết theo hình thức pháp luật của vấn đề.

Research một vấn đề pháp lý là trên cơ sở những câu hỏi, những vấn đề trọng tâm của khách hàng, người thực hiện tiến hành việc tìm kiếm, nghiên cứu và đánh giá trên cơ sở quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng để đưa ra ý kiến, câu trả lời cho vấn đề đó.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả bằng kinh nghiệm hành nghề thực tiễn, sẽ chia sẻ một số kỹ năng để thực hiện loại công việc research một vấn đề pháp lý như sau:

Quy trình thực hiện

Bước 1: Xác định chính xác vấn đề pháp lý cần nghiên cứu (research).

Bước 2: Tổng hợp và nghiên cứu các cơ sở pháp lý điều chỉnh vấn đề pháp lý đã xác định ở Bước 1.

Bước 3: Kiểm tra về việc áp dụng quy định pháp luật của vấn đề pháp lý đó hoặc cách giải quyết của cơ quan có thẩm quyền trên thực tế.

Bước 4: Trình bày kết quả nghiên cứu (research) dưới dạng thư tư vấn hoặc trình bày trực tiếp.

Kỹ năng thực hiện

  • Làm thế nào để xác định được chính xác vấn đề pháp lý cần research?

Trên thực tế hành nghề luật, vấn đề pháp lý khách hàng thường đưa ra dưới dạng câu hỏi trực tiếp hoặc trình bày dạng mô tả tình huống. Ví dụ: Làm thế nào để người nước ngoài có thể xin thẻ tạm trú tại Việt Nam? Hay là tôi muốn mở một công ty thì phải làm như thế nào?

Nhiệm vụ của người thực hiện, là phải hiểu hết được mong muốn của người đặt ra vấn đề cần nghiên cứu, bằng cách phân tích và hỏi thêm để xác định được phạm vi nghiên cứu cho vấn đề đó. Đối với bước xác định vấn đề pháp lý cần research này, cần phải ứng dụng tốt kỹ năng hỏi và khả năng phân tích tình huống.

  • Tổng hợp và nghiên cứu các cơ sở pháp lý điều chỉnh vấn đề như thế nào?

Ở bước này, kỹ năng sử dụng chính là khả năng sử dụng internet và các công cụ tìm kiếm. Hiện nay, có rất nhiều bài viết pháp lý được đăng tải trên internet, việc tìm kiếm cũng trở nên dễ dàng hơn. Để tiết kiệm thời gian, người thực hiện có thể tìm kiếm trên internet các bài viết cho vấn đề pháp lý mà mình đang tìm kiếm, để từ các bài viết đó sẽ tổng hợp được một số cơ sở pháp lý điều chỉnh cho vấn đề đó. Từ các cơ sở pháp lý ban đầu này, có thể kiểm tra kĩ hơn về hiệu lực cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành tại website: thuvienphapluat hoặc luatvietnam,…

  • Kiểm tra thực tiễn như thế nào?

Đối với vấn đề pháp lý liên quan đến thủ tục hành chính, có thể liên hệ với cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đó để kiểm tra lại, xem cách hiểu của mình đã đúng với thực tế chưa, hoặc có thể hỏi mở rộng thêm những vấn đề mà có thể quy định pháp luật chưa rõ ràng.

Đối với các vấn đề pháp lý khác thì có thể hỏi những người mình quen biết mà đã có kinh nghiệm xử lý thực tiễn cho vấn đề đó.

Đây là bước khó trong các bước của công việc research, đòi hỏi người thực hiện phải có kỹ năng giao tiếp tốt, kỹ năng ứng xử và làm việc với cơ quan nhà nước.

  • Trình bày kết quả nghiên cứu

Sau khi đã nghiên cứu quy định pháp luật cũng như thực tế áp dụng, thông thường việc trình bày kết quả nghiên cứu sẽ thực hiện dưới dạng viết thư tư vấn hoặc là trình bày trực tiếp trước khách hàng. Đối với thư tư vấn thì cần phải trình bày theo chuẩn của thư tư vấn, ngôn ngữ viết mạch lạc, logic, truyền tải được đầy đủ nội dung đã nghiên cứu. Đối với việc trình bày trực tiếp thì cần khả năng trình bày, giao tiếp tốt để truyền tải đầy đủ nội dung đến người nghe.

Một số lưu ý khi thực hiện

  • Khi tiếp nhận câu hỏi từ khách hàng, cần làm rõ vấn đề pháp lý, đảm bảo đã hiểu đủ và đúng, đối với những vấn đề phức tạp nên tham vấn ý kiến của cấp trên.
  • Văn bản pháp luật sử dụng để giải quyết vấn đề phải còn hiệu lực.
  • Phải đọc và hiểu quy định trước khi liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra thủ tục, không liên hệ khi chưa nắm rõ quy định pháp luật. Giọng điệu nhẹ nhàng, thái độ cầu thị với cán bộ phụ trách.
  • Bản viết trình bày kết quả research: Rõ ràng, trọng tâm, mạch lạc và không sai lỗi chính tả.

Trên đây là một số hướng dẫn để thực hiện công việc research vấn đề pháp lý, loại công việc rất phổ biến ở các công ty luật, văn phòng luật sư. Hi vọng bài viết hữu ích cho các bạn.