Tác động của dịch Covid-19 được xem là hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong hợp đồng hay không?

Với những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trong năm 2021, nhiều Hợp đồng không thể thực hiện được, dẫn đến tranh chấp liên quan đến Hợp đồng xảy ra nhiều hơn. Các biên pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan như lệnh phong toả, giãn cách của cơ quan có thẩm quyền dẫn đến nhiều cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình buộc phải dừng hoạt động nên nhiều Hợp đồng đã được ký kết không thể thực hiện được.

Để loại trừ trách nhiệm dân sự trong giai đoạn khó khăn này, bên có nghĩa vụ sẽ xem xét tác động của Covid-19 là sự kiện bất khả kháng và áp dụng hệ quả của sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp dịch Covid-19 đều được xem xét như là sự kiện bất khả kháng.

Vậy đối với các trường hợp không được áp dụng sự kiện bất khả kháng cho những tác động của dịch Covid-19 thì các bên có thể cân nhắc về chế định thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản được quy định tại Điều 420 Bộ Luật dân sự 2015.  

1. Điều kiện để tác động của Dịch Covid-19 được xem là hoàn cảnh thay đổi cơ bản

Điều kiện để được xem là hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo Khoản 1 Điều 420 Bộ Luật dân sự 2015 là:

  • Sự thay đổi do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
  • Tại thời điểm giao kết, các các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
  • Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
  • Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;
  • Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

Như vậy, để dịch Covid-19 được xem là hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì bên áp dụng phải chứng minh đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên. Thực tế, đối với những hợp đồng giao kết sau thời gian cơ quan có thẩm quyền áp dụng các lệnh phong toả, giãn cách xã hội thì khó có thể chấp nhận đáp ứng điều kiện là hoàn cảnh thay đổi cơ bản vì các bên đã biết trước về tác động của dịch bệnh.

Hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì giống với sự kiện bất khả kháng ở chỗ cũng là nguyên nhân khách quan, không lường trước được, xảy ra sau thời điểm giao kết hợp đồng nhưng khác ở chỗ đối với hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì vẫn có khả năng thực hiện được (đối với bất khả kháng là không thực hiện được), tuy nhiên việc thực hiện tiếp tục sẽ dẫn đến thiệt hại nghiệm trọng cho một bên.

2. Các phương án để các bên lựa chọn khi áp dụng chế định hoàn cảnh thay đổi cơ bản

Các phương án để các bên lựa chọn khi áp dụng chế định hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo Điều 420 Bộ Luật dân sự 2015:

  • Bên bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý;
  • Trường hợp không thể đàm phán lại trong một thời hạn hợp lý, có quyền yêu cầu Toà án chấm dứt hợp đồng hoặc sửa đổi hợp đồng để cân bằng lợi ích cho các bên

Lưu ý là đối với hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì bên bị ảnh hưởng không được quyền tự ý chấm dứt Hợp đồng mà phải yêu cầu Toà án chấm dứt hoặc sửa đổi (tuỳ phương án nào có lợi hơn). Trong thời gian các bên đàm phán hoặc thời gian yêu cầu Toà án giải quyết thì các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo Hợp đồng, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận không thực hiện.

Như vậy, tuỳ vào thời điểm giao kết hợp đồng, thiệt hại xảy ra và các khả năng chứng minh của mình, để các bên xem xét nên lựa chọn chế định sự kiện bất khả kháng hay là hoàn cảnh thay đổi cơ bản để áp dụng đối với những ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19 gây ra đối với trường hợp của doanh nghiệp mình.