Dịch Covid-19 có là sự kiện bất khả kháng hay không?

Năm 2021 là năm Việt Nam chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, với biến chủng Delta có nguy cơ lây nhiễm và gây tử vong cao. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế, tài chính của cả nước là nơi hứng chịu nhiều nhất những hệ luỵ từ đại dịch này. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, cơ quan có thẩm quyền buộc phải áp dụng các chỉ thị, lệnh giãn cách xã hội, dẫn đến các doanh nghiệp gần như rơi vào trạng thái không hoặc không thể hoạt động, trừ một số doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cũng phải thực hiện hoạt động trong những điều kiện tương đối khó khăn.

Câu hỏi đặt ra đối với nhiều doanh nghiệp là việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 dẫn đến doanh nghiệp không thể thực hiện được nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết, có được xem là trường hợp bất khả kháng để loại trừ trách nhiệm dân sự không? Hay dịch Covid-19 có được xem là sự kiện bất khả kháng hay không?

Để trả lời cho câu hỏi trên, cần xét theo góc độ quy định của pháp luật về sự kiện bất khả kháng, cũng như quan điểm xét xử của các cơ quan giải quyết tranh chấp.

1. Quy định pháp luật về sự kiện bất khả kháng

Sự kiện bất khả kháng được quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ Luật dân sự 2015 là: “Sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước đượckhông thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Như vậy, một bên muốn áp dụng sự kiện bất khả kháng để loại trừ nghĩa vụ của mình thì phải chứng minh được đó là: (1) sự kiện khách quan, không lường trước được và (2) không thể khắc phục được.

Từ quy định này, trong một số trường hợp, rõ ràng dịch Covid-19 không phải là sự kiện bất khả kháng vì không đáp ứng các điều kiện luật định, một số trường hợp khác thì cho dù thực tế có đáp ứng nhưng cũng khó để bên áp dụng có thể chứng minh đáp ứng đủ điều kiện là sự kiện bất khả kháng.

Ví dụ đơn cử như đối với hợp đồng thuê nhà đã ký trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền áp dụng chỉ thị, lệnh giãn cách xã hội, khi xảy ra dịch và áp dụng chỉ thị, lệnh giãn cách dẫn đến bên thuê không được hoạt động kinh doanh và không có tiền để trả tiền thuê nhà. Trong trường hợp này, nghĩa vụ của bên thuê là trả tiền thuê, và hệ thống ngân hàng trực tuyến vẫn hoạt động, vẫn có thể thanh toán trực tuyến nên không chứng minh được rằng sự kiện bất khả kháng dẫn đến không thể khắc phục được, chỉ là thực tế dịch Covid-19 tác động khó khăn dẫn đến bên thuê không có khả năng chi trả chứ không phải là do ngân hàng không hoạt động mà không thanh toán được, như vậy thì không đáp ứng điều kiện “không thể khắc phục” của sự kiện bất khả kháng theo quy định tại Khoản 1 Điều 156 Bộ Luật dân sự 2015.

2. Quan điểm xét xử của cơ quan giải quyết tranh chấp

Về thực tiễn xét xử của cơ quan giải quyết tranh chấp như Trọng tài, Toà án thì vẫn quan điểm là nếu bên áp dụng sự kiện bất khả kháng chứng minh được tác động của dịch Covid-19 đáp ứng đủ các điều kiện luật định để được xem là sự kiện bất khả kháng, nếu chứng minh được thì sẽ được áp dụng.

Đối với một số trường hợp, Hợp đồng đã ký và sau khi áp dụng chỉ thị, lệnh giãn cách của cơ quan có thẩm quyền dẫn đến không hoạt động được như không thể sản xuất hàng hoá, không thể tiếp tục xây dựng, không nhận khách hàng đã đặt dịch vụ trước đó thì có thể được xem xét. Tuy nhiên, việc viện dẫn dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng đối với nghĩa vụ thanh toán thì khó được chấp nhận.

Hệ quả nếu dịch Covid-19 được chấp nhận là sự kiện bất khả kháng

Khi được chấp nhận là sự kiện bất khả kháng thì bên có nghĩa vụ được loại trừ trách nhiệm dân sự do không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, các bên có thể lựa chọn:

  • Điều chỉnh/thay đổi hợp đồng cho phù hợp với hoàn cảnh;
  • Chấm dứt/Huỷ bỏ hợp đồng. Tuy nhiên, chỉ được áp dụng phương án này khi không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng do sự kiện bất khả kháng. Ví dụ: Mua hàng để xuất khẩu trước thời điểm nào đó, nhưng do sự kiện bất khả kháng mà không thể xuất vào đúng thời điểm đó dẫn đến không đạt được mục đích giao kết;
  • Theo thoả thuận của các bên để đảm bảo giảm mức thiệt hại cho các bên.

Làm thế nào để dịch Covid-19 hay dịch bệnh nói chung là sự kiện bất khả kháng?

Hiện nay, luật vẫn cho các bên quyền thoả thuận sự kiện nào là sự kiện bất khả kháng và điều kiện áp dụng. Vì vậy để tránh trường hợp việc chứng minh đáp ứng điều kiện là sự kiện bất khả kháng của luật khó thì các bên khi giao kết hợp đồng nên liệt kê rõ các sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng và điều kiện để áp dụng. Ví dụ như: sự kiện bất khả kháng bao gồm dịch hoặc đại dịch dẫn đến cơ quan nhà nước áp dụng các biện pháp phong toả, giãn cách,…

Ngoài ra, luật vẫn cho các bên thoả thuận về hệ quả của sự kiện bất khả kháng là các bên vẫn có trách nhiệm chia sẻ thiệt hại phát sinh, điều chỉnh thay đổi hợp đồng, gia hạn hợp đồng bằng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng, vì vậy các bên nên thoả thuận, không phải mọi trường hợp đều loại trừ trách nhiệm dân sự khi áp dụng sự kiện bất khả kháng.

Trên đây là một vài ý kiến phân tích liên quan đến tác động của Dịch Covid-19 và việc áp dụng sự kiện bất khả kháng. Không phải mọi tác động của phong toả, giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều được chấp nhận là sự kiện bất khả kháng để loại trừ trách nhiệm dân sự cho một bên trong hợp đồng.