Doanh nghiệp FDI được hiểu là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam có vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, doanh nghiệp FDI được quyền thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức sau đây:
- Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài;
- Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó;
- Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;
- Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Trước đây, Luật đầu tư 2014 không có quy định khác nhau về nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của Doanh nghiệp FDI và Doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam. Đến Luật đầu tư 2020, đã bổ sung quy định về nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài đối với doanh nghiệp FDI, theo đó có điểm khác so với doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam.
Theo quy định của pháp luật đầu tư hiện hành, nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp FDI gồm tiền và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư, bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay tại Việt Nam chuyển ra nước ngoài, lợi nhuận thu được từ dự án đầu tư ra nước ngoài được giữ lại để thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
Đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài phải là vốn chủ sở hữu, trong đó không bao gồm vốn góp để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Như vậy, có nghĩa là đối với doanh nghiệp FDI có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 50% vốn điều lệ thì không được sử dụng vốn góp thực hiện dự án đã đăng ký đầu tư tại Việt Nam để đầu tư ra nước ngoài (vốn góp của chủ sở hữu), mà phải sử dụng vốn từ lợi nhuận chưa phân phối hoặc trong trường hợp không có lợi nhuận chưa phân phối thì phải sử dụng vốn góp tăng thêm để đầu tư ra nước ngoài, trường hợp sử dụng vốn góp tăng thì thì nhà đầu tư trước đó phải thực hiện thủ tục tăng vốn chủ sở hữu và phải góp đủ vốn tương ứng với phần tăng thêm.
Quy định này nhằm mục đích tránh việc nhà đầu tư sử dụng vốn góp thực hiện dự án tại Việt Nam để đầu tư ra nước ngoài nhưng việc đầu tư ra nước ngoài không có lợi nhuận sẽ ảnh hưởng đến dự án tại Việt Nam.
Cơ sở pháp lý sử dụng trong bài viết:
- Luật đầu tư năm 2014;
- Luật đầu tư năm 2020;
- Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/03/2021.