Có được góp vốn thành lập công ty bằng vốn cổ phần/phần vốn góp trong doanh nghiệp khác?

Hiện nay, loại tài sản phổ biến thường được sử dụng làm tài sản góp vốn đề thành lập công ty có thể kể đến là: tiền Việt Nam đồng, ngoại tệ, tài sản hữu hình như giá trị quyền sử dụng đất, máy móc, thiết bị. Vậy cổ phần hoặc phần vốn góp có được xem là tài sản góp vốn theo quy định của Luật doanh nghiệp và có được góp vốn thành lập công ty bằng cổ phần/phần vốn góp trong doanh nghiệp khác hay không? Bài viết này sẽ phân tích vấn đề này ở cả hai góc độ là quy định của luật và áp dụng trên thực tiễn. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ đề cập trong phạm vi áp dụng đối với doanh nghiệp trong nước, không áp dụng đối với tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài.

1. Phần vốn góp/cổ phần có được xem là tài sản góp vốn Luật doanh nghiệp 2014 có quy định về tài sản góp vốn theo hình thức liệt kê, tức là các loại tài sản góp vốn có thể là: Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Trong các đối tượng nêu trên, ta không thấy đề cập trực tiếp đến phần vốn góp và cổ phần trong doanh nghiệp, tuy nhiên có thể xếp phần vốn góp và cổ phần vào loại tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Bởi căn cứ theo định nghĩa về phần vốn góp và cổ phần tại Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014:

  • Phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
  • Cổ phần là vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau. Từ phần định nghĩa trên, có thể thấy phần vốn góp hay cổ phần đều được thừa nhận là tài sản, được sở hữu bởi cá nhân hoặc tổ chức, và có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Như vậy, phần vốn góp và cổ phần được xem là tài sản góp vốn theo Luật doanh nghiệp 2014.

2. Có được góp vốn thành lập công ty bằng cổ phần/phần vốn góp trong doanh nghiệp khác hay không? Xét ở góc độ quy định pháp luật, cá nhân/tổ chức được quyền góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng các loại tài sản quy định tại Luật doanh nghiệp như đã nêu ở phần 1. Vì phần vốn góp/cổ phần trong doanh nghiệp khác cũng là một loại tài sản góp vốn nên cá nhân/tổ chức được sử dụng phần vốn góp/cổ phần mà mình sở hữu ở doanh nghiệp khác để góp vốn thành lập mới doanh nghiệp. Trên thực tế, các cơ quan có thẩm quyền vẫn tiếp nhận và xử lý hồ sơ đặc thù này, mặc dù hiện chưa có văn bản nào quy định chi tiết hướng dẫn cho trường hợp cụ thể này. Đối với loại tài sản này, khi thực hiện việc góp vốn cần phải lưu ý một số vấn đề sau: (1) Cá nhân/tổ chức dự định góp vốn bằng cổ phần/phần vốn góp trong doanh nghiệp khác phải có quyền sở hữu đối với phần vốn góp/cổ phần đó. Tức là không được dùng phần vốn góp, cổ phần của người khác để đăng ký làm tài sản góp vốn của mình; (2) Phải được sự đồng ý của Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông của công ty về việc sử dụng phần vốn góp/cổ phần trong doanh nghiệp làm tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp mới; (3) Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký thành lập công ty mới phải thực hiện thủ tục hoán đổi phần vốn góp/cổ phần ở các công ty.

Kết luận: Phần vốn góp và cổ phần được xem là một loại tài sản góp vốn theo Luật doanh nghiệp 2014, vì vậy cá nhân/tổ chức được sử dụng loại tài sản này để góp vốn thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì tính chất đặc thù của loại tài sản này mà hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ khác so với hồ sơ thành lập doanh nghiệp thông thường. Ngoài ra, các chủ thể khi nhận góp vốn hoặc góp vốn bằng cổ phần/phần vốn góp cũng cân nhắc thận trọng, bởi vì loại tài sản này sẽ dẫn đến một số rủi ro như: vốn ảo; các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính sau khi hoán đổi cổ phần.