Sử dụng tài khoản DICA trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam (P.2)

phần 1 của bài viết, đã cung cấp cho các bạn về các trường hợp phải mở tài khoản DICA. Trong phần 2 này, bài viết đề cập về cách sử dụng DICA cho một số trường hợp phổ biến hay gặp trên thực tế như: góp vốn thành lập công ty có vốn nước ngoài; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam; tham gia hợp đồng BCC.

D – Thời điểm mở tài khoản DICA cho các trường hợp điển hình

  1. Đối với doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài là cổ đông, thành viên và đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) Thời điểm mở tài khoản DICA cho trường này, là kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đến không quá 90 ngày. Vì mục đích của tài khoản DICA là để nhận tiền góp vốn đầu tư để thực hiện dự án, tránh trường hợp trễ hạn góp vốn 90 ngày theo Luật doanh nghiệp thì lưu ý không mở tài khoản DICA trễ hơn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Vậy nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền như thế nào để thanh toán cho các khoản chi phí phát sinh trước thời điểm được cấp giấy chứng nhận đầu tư? Trước khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài được phép chuyển tiền từ nước ngoài hoặc từ tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài đó mở tại ngân hàng được phép tại Việt Nam để thanh toán các chi phí hợp pháp trong giai đoạn thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam.
  2. Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ Thời điểm mở tài khoản DICA cho trường hợp này, là kể từ ngày có Thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đến trước khi thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (thay đổi thành viên/cổ đông). Lưu ý: Nhiều trường hợp trên thực tế, doanh nghiệp thực hiện mở DICA sau bước thay đổi thành viên/cổ đông trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, sẽ gặp nhiều vấn đề ở khâu chuyển tiền, có nhiều ngân hàng không chấp thuận.
  3. Nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC Thời điểm mở tài khoản DICA cho trường hợp này, là kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đến trước ngày cam kết góp vốn theo hợp đồng BCC đối với trường hợp góp tiền để thực hiện dự án.

E – Cách sử dụng tài khoản DICA cho các trường hợp điển hình

  1. Đối với doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài là cổ đông, thành viên và đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) Tài khoản DICA ngoại tệ trong trường hợp này được sử dụng cho các mục đích nhận tiền góp vốn bằng ngoại tệ từ nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam và chi chuyển khoản lợi nhuận hoặc các khoản thu hợp pháp về nước cho nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể các giao dịch thu, chi như sau: (i) Thu chuyển khoản tiền góp vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; (ii) Thu chuyển khoản tiền thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư giữa nhà đầu tư là người không cư trú và nhà đầu tư là người cư trú; (iii) Thu chuyển khoản ngoại tệ mua từ tổ chức tín dụng được phép để chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài; (iv) Thu chuyển đổi ngoại tệ để thực hiện góp vốn đầu tư trong trường hợp đồng tiền góp vốn khác với đồng tiền của tài khoản vốn đầu tư trực tiếp đã mở; (v) Thu chuyển khoản tiền thặng dư vốn cổ phần từ việc phát hành thêm cổ phần mới để tăng vốn điều lệ tại doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; (vi) Các khoản thu chuyển khoản liên quan đến khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp trừ trường hợp đồng tiền đi vay không tương ứng với đồng tiền mở tài khoản DICA; (vii) Chi chuyển khoản sang tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ mở tại ngân hàng được phép của chính doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; (viii) Chi bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép để chuyển vào tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của chính doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; (ix) Chi chuyển khoản tiền thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư cho bên chuyển nhượng ở nước ngoài hoặc chi bán ngoại tệ để thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư cho bên chuyển nhượng tại Việt Nam bằng đồng Việt Nam; (x) Chi chuyển khoản lợi nhuận và các nguồn thu hợp pháp bằng ngoại tệ từ hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài; (xi) Chi chuyển khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài trong trường hợp giảm vốn đầu tư, kết thúc, thanh lý, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; (xii) Chi chuyển đổi ngoại tệ để thực hiện chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp từ hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong trường hợp đồng tiền chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài khác với đồng tiền của tài khoản vốn đầu tư trực tiếp đã mở; (xiii) Các khoản chi chuyển khoản liên quan đến khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp, trừ trường hợp đồng tiền đi vay không tương ứng với đồng tiền mở tài khoản DICA.
  2. Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ Đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn thì DICA sử dụng giống như trường hợp đầu tiên. Nhưng trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp thì phát sinh vấn đề liên quan đến chuyển nhượng và thanh toán, việc sử dụng DICA không giống với trường hợp đầu tiên. Tài khoản DICA lúc này đóng vai trò là cầu nối, nhận tiền từ nhà đầu tư nước ngoài (bên nhận chuyển nhượng) và chi thanh toán lại cho bên chuyển nhượng (có thể là nhà đầu tư nước ngoài cư trú hoặc là nhà đầu tư Việt Nam). Lưu ý: Đối với trường hợp bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng là nhà đầu tư không cư trú hoặc đồng thời là nhà đầu tư cư trú, thì không thực hiện việc thanh toán thông qua tài khoản DICA, mà hai bên sẽ tự thực hiện việc thanh toán cho nhau trên lãnh thổ của họ. Đối với giao dịch mua cổ phần, phần vốn góp, trên thực tế có các trường hợp như sau: Trường hợp 1: Bên nhận chuyển nhượng là một nhà đầu tư ở nước ngoài (nhà đầu tư không cư trú) và bên chuyển nhượng là nhà đầu tư Việt Nam. Quy trình chuyển tiền thanh toán cổ phần, phần vốn góp: Nhà đầu tư nước ngoài sẽ chuyển ngoại tệ vào tài khoản DICA ngoại tệ/DICA VNĐ của Doanh nghiệp, từ tài khoản DICA này sẽ chuyển vào tài khoản thanh toán cho bên chuyển nhượng, mà không thông qua tài khoản thanh toán của Doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay trên thực tế, có một số ngân hàng có hướng dẫn khác nhau, có ngân hàng thì chấp nhận cho nhà đầu tư nước ngoài (bên nhận chuyển nhượng) chuyển trực tiếp vào DICA VNĐ (Bắt buộc Doanh nghiệp phải mở nếu bên chuyển nhượng là nhà đầu tư Việt Nam), một số khác lại yêu cầu chuyển vào DICA ngoại tệ của Doanh nghiệp, rồi ngân hàng chi bán ngoại tệ để chuyển vào tài khoản thanh toán của Bên nhận chuyển nhượng. Việc này có thể không ảnh hưởng quá lớn, tuy nhiên để tránh mất thời gian thì cần kiểm tra với ngân hàng nơi dự định thực hiện để đảm bảo thống nhất được cách thức thực hiện trước khi tư vấn/thực hiện giao dịch. Trường hợp 2: Bên nhận chuyển nhượng là một nhà đầu tư ở nước ngoài (không cư trú) và bên chuyển nhượng là nhà đầu tư nước ngoài (không cư trú). Trường hợp này, theo quy định tại Thông tư 06, việc thanh toán giá trị chuyển nhượng không thực hiện qua tài khoản DICA, hay nói cách khác không thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Các bên sẽ thanh toán tại lãnh thổ nơi họ cư trú. Trường hợp 3: Bên nhận chuyển nhượng là nhà đầu tư (cư trú) và bên chuyển nhượng là nhà đầu tư cư trú. Trường hợp này cũng không thực hiện việc thanh toán giá trị chuyển nhượng qua tài khoản DICA, vẫn thực hiện thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam nhưng có thể thực hiện giao dịch trực tiếp trên tài khoản thanh toán của họ hoặc bằng tiền mặt, tùy trường hợp.
  3. Nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC Đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài là một bên trong hợp đồng BCC, thì tài khoản DICA cũng là cầu nối để nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền đầu tư về Việt Nam và chuyển lợi nhuận từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Ngoài ra, việc thanh toán giá trị chuyển nhượng dự án đầu tư trong hợp đồng BCC đều phải thực hiện thông qua tài khoản DICA, không phân biệt là nhà đầu tư có cư trú hay không cư trú. Các giao dịch cụ thể như sau: (i) Thu chuyển khoản tiền góp vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC, nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP; (ii) Thu chuyển khoản từ tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ mở tại ngân hàng được phép của nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC để chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài; (iii) Chi chuyển khoản sang tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ mở tại ngân hàng được phép của nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC để thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam; (iv) Chi bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép để chuyển vào tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC; (v) Chi chuyển khoản lợi nhuận và các nguồn thu hợp pháp bằng ngoại tệ từ hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài; (vi) Chi chuyển khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài trong trường hợp, kết thúc, thanh lý, chấm dứt hoạt động của hợp đồng BCC theo quy định của pháp luật về đầu tư.

F – Một số lưu ý khác

  1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong đó tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài dưới 51% vốn điều lệ, không có IRC, làm thế nào để nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền góp vốn đầu tư? Đối với trường hợp này, Doanh nghiệp không đứng tên mở tài khoản DICA, mà nhà đầu tư nước ngoài sẽ trực tiếp đứng tên mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp theo Thông tư 05/2014/TT-NHNN ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam;
  2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong đó tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài dưới 51% vốn điều lệ, không có IRC đã thực hiện mở tài khoản DICA trước đó thì Chậm nhất trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 06/09/2019, doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú sở hữu cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp đó phải thực hiện chuyển đổi tài khoản. Trường hợp doanh nghiệp đang sử dụng tài khoản DICA thực hiện việc vay và trả nợ nước ngoài thì được tiếp tục duy trì tài khoản này cho mục đích vay, trả nợ nước ngoài theo quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

Trên đây là toàn bộ các quy định, diễn giải liên quan đến tài khoản DICA và cách sử dụng tài khoản DICA trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, được tổng hợp và rút ra từ quy định pháp luật và áp dụng trên thực tế. Các quy định này nhìn chung không còn quá mới tuy nhiên hoạt động giao dịch trên thực tế còn diễn ra nhiều. Hi vọng bài viết sẽ có giá trị sử dụng cho các bạn đang trên đường hành nghề luật sư tư vấn nói chung và mảng tư vấn đầu tư nói riêng.