Sử dụng tài khoản DICA trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam (P.1)

SỬ DỤNG TÀI KHOẢN DICA NHƯ THẾ NÀO TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM?

Hiện nay, đối với các chuyên gia, luật sư trong lĩnh vực tư vấn đầu tư có lẽ không còn xa lạ với Tài khoản DICA. Tuy nhiên, từ góc độ của doanh nghiệp hoặc những người tư vấn chưa thực sự có vụ việc phát sinh trên thực tế, có thể khó nắm bắt cách áp dụng cũng như vận hành loại tài khoản này trong giao dịch. Bài viết dưới đây, góp phần cụ thể hóa các quy định liên quan đến tài khoản DICA cũng như cách áp dụng được rút ra từ các vụ việc thực tế.

Các nội dung sau đây được diễn giải từ các quy định của Thông tư 06/2019/TT-NHNN [1] của Ngân hàng nhà nước, hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

A – DICA là gì?

DICA (Direct Investment Capital Account) là cách gọi tắt của tài khoản vốn đầu tư trực tiếp. Đây là một loại tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép tại Việt Nam để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Có thể hiểu tài khoản DICA là cầu nối cho nhà đầu tư nước ngoài chuyển tiền đầu tư từ nước ngoài về Việt Nam, để thực hiện hoạt động đầu tư theo sự chấp thuận của cơ quan cấp phép đầu tư.

B – Đối tượng bắt buộc phải mở tài khoản DICA

Từ trong định nghĩa, đã đề cập đến đối tượng mở tài khoản DICA ở đây là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoàinhà đầu tư nước ngoài.

Theo Thông tư 06/2019/TT-NHNN, các đối tượng mở và sử dụng tài khoản DICA gồm:

  1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, bao gồm: (i) Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài là cổ đông, thành viên và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC); (ii) Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ, không có IRC (Đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp hoặc sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất);
  2. Nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC;
  3. Nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP trong trường hợp không thành lập doanh nghiệp dự án.

Trường hợp (1) và (2) thường hay gặp trên thực tiễn, vì đây là các hình thức đầu tư phổ biến tại Việt Nam hiện nay.

C – Quy định về việc mở tài khoản DICA như thế nào?

Các đối tượng phải mở tài khoản DICA nêu tại mục 1 ở trên, phải mở tài khoản DICA bằng ngoại tệ tại một ngân hàng được phép tại Việt Nam, không nhất thiết phải mở tại ngân hàng mà Doanh nghiệp có tài khoản thanh toán. Tuy nhiên, tương ứng với loại ngoại tệ góp vốn đầu tư, chỉ được mở 01 (một) tài khoản DICA bằng loại ngoại tệ đó (sau đây gọi là “DICA ngoại tệ”) tại 01 (một) ngân hàng được phép.

Trường hợp thực hiện đầu tư bằng đồng Việt Nam, được mở 01 (một) tài khoản DICA bằng đồng Việt Nam (sau đây gọi là “DICA VNĐ”) tại ngân hàng được phép nơi đã mở tài DICA ngoại tệ để thực hiện các giao dịch thu, chi hợp pháp bằng đồng Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hợp đồng BCC hoặc trực tiếp thực hiện nhiều dự án PPP, nhà đầu tư nước ngoài phải mở tài khoản DICA riêng biệt tương ứng với mỗi hợp đồng BCC, dự án PPP.

Thời điểm mở tài khoản DICA và cách sử dụng DICA cho một số trường hợp phổ biến trên thực tế như góp vốn thành lập công ty có vốn nước ngoài; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam và tham gia hợp đồng BCC sẽ được đề cập ở bài viết tiếp theo Phần 2.


[1] Thông tư số 06/2019/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 06 tháng 9 năm 2019, thay thế cho Thông tư 19/2014/TT-NHNN ngày 11 tháng 8 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.