Đối với trường hợp chồng có nhiều vợ, đến khi người chồng mất không để lại di chúc, thì vấn đề phát sinh là xác định tư cách thừa kế của những người vợ để xác định người thừa kế theo pháp luật. Trên thực tế, những vụ việc như thế này không hiếm gặp.
Để kết luận người vợ nào được thừa nhận là người thừa kế theo pháp luật, người vợ nào không được thừa nhận là thừa kế theo pháp luật cần phải căn cứ vào thời gian bắt đầu chung sống và các quy định pháp luật hôn nhân và gia đình của từng giai đoạn.
- Trước 13/01/1960 (đối với miền Bắc) và trước 25/3/1977 đối với miền Nam:
Trong trường hợp một người có nhiều vợ (trước ngày 13/01/1960 – ngày công bố Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 – đối với miền Bắc; trước ngày 25/3/1977 – ngày công bố danh mục văn bản pháp luật được áp dụng thống nhất trong cả nước – đối với miền Nam và đối với cán bộ, bộ đội có vợ ở miền Nam sau khi tập kết ra Bắc lấy thêm vợ mà việc kết hôn sau không bị huỷ bỏ bằng bản án có hiệu lực pháp luật), thì tất cả các người vợ đều là người thừa kế hàng thứ nhất của người chồng và ngược lại, người chồng là người thừa kế hàng thứ nhất của tất cả các người vợ. (Trích tại: Nghị quyết số 02/HĐTP Nghị quyết của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp lệnh thừa kế).
- Sau thời điểm nêu trên đến trước ngày 03/01/1987:
Trừ trường hợp cán bộ, bộ đội có vợ ở miền Nam sau khi tập kết ra Bắc lấy thêm vợ mà việc kết hôn sau không bị huỷ bỏ bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì từ ngày 13/01/1960 đối với miền Bắc và từ ngày 25/3/1977 đối với miền Nam đến trước ngày 03/01/1987, dù có đăng ký kết hôn hay không có đăng ký kết hôn thì chỉ người vợ chung sống đầu tiên có tư cách thừa kế theo pháp luật, những người vợ sau đó không có tư cách thừa kế, vì Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 có điều luật cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn với người khác, vì vậy việc một người đã có vợ (chung sống như vợ chồng, có tổ chức lễ cưới, có sự chứng kiến của nhiều người ) nhưng sau đó lại sống chung với người khác thì vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình nên việc sống chung đó không được công nhận là quan hệ vợ chồng hợp pháp.
- Từ 03/01/1987 – đến 01/01/2001:
Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01/01/2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết. Từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng (Trích tại: Nghị quyết số: 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội).
Như vậy, nếu sống chung như vợ chồng trong giai đoạn này mà không tuân thủ về thời hạn đăng ký kết hôn theo quy định này, thì quan hệ vợ chồng không được công nhận, như vậy sẽ không làm phát sinh tư cách thừa kế theo pháp luật của người vợ, dù là vợ đầu tiên hay những người vợ sau.
- Từ 01/01/2001 đến nay:
Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, kể từ ngày 01/01/2001 trở đi, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Đồng thời, quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc kết hôn phải được đăng ký theo quy định, nếu không đăng ký thì không có giá trị.
Như vậy, ở giai đoạn này, chỉ những người có đăng ký kết hôn theo quy định mới được thừa nhận là quan hệ vợ chồng hợp pháp và mới phát sinh tư cách thừa kế theo pháp luật khi người còn lại mất.
Trên thực tế khi xét xử tại Tòa án, đối với giai đoạn trước ngày 03/01/1987 vẫn có nhiều quan điểm xét xử. Vì giai đoạn này, việc sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn vẫn được công nhận là quan hệ hôn nhân hợp pháp (hôn nhân thực tế), nên trong một số trường hợp, Tòa vẫn quyết định theo hướng nhiều người vợ là đồng thừa kế theo pháp luật nếu tất cả những người vợ này đều được tổ chức cưới và có sự chứng kiến của nhiều người.
Bài viết dựa trên các cơ sở pháp lý sau:
- Nghị quyết số 02/HĐTP Nghị quyết của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp lệnh thừa kế ngày 19/10/1990;
- Luật Hôn nhân và gia đình 1959;
- Luật Hôn nhân và gia đình 1986;
- Luật Hôn nhân và gia đình 2000;
- Nghị quyết số: 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội;
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014.