Làm thế nào để nhập khẩu phân bón vào Việt Nam?

Làm thế nào để nhập khẩu phân bón vào Việt Nam? Đây là câu hỏi của nhiều doanh nghiệp, cá nhân có mong muốn nhập khẩu các loại phân bón chất lượng từ nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện việc thương mại.

 

Hiện nay, quy định về nhập khẩu và kinh doanh phân bón tại Việt Nam được quy định theo hướng khá chặt chẽ vì đây là sản phẩm có khả năng ảnh hưởng cao đến môi trường, cây trồng và cả con người. Chính vì thế, mà các quy định liên quan đến thủ tục nhập khẩu, buôn bán phân bón cũng tương đối phức tạp. Tùy vào mục đích nhập khẩu mà thủ tục sẽ khác nhau.

Theo quy định tại Luật trồng trọt năm 2018, phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, trừ phân bón hữu cơ được sản xuất để sử dụng không vì mục đích thương mại, phân bón được nhập khẩu theo quy định về nhập khẩu phân bón tại Luật trồng trọt; phân bón được sản xuất để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Dưới đây là tổng hợp các cách thức để nhập khẩu phân bón vào Việt Nam:

1. Nhập khẩu phân bón cho mục đích kinh doanh thương mại

Với mục đích kinh doanh thương mại, thì quy định mà nhà nhập khẩu phải đáp ứng để được nhập khẩu gồm:

  • Chủ thể nhập khẩu phải là doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề bán buôn phân bón;
  • Loại phân bón được nhập khẩu phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.

Một khi doanh nghiệp đã được cấp Quyết định công nhận lưu hành phân bón thì sẽ được tự do nhập khẩu trong thời hạn của Quyết định công nhận (05 năm) mà không cần phải làm thủ tục xin giấy phép cho từng lần nhập khẩu và cũng không bị hạn chế số lượng phân bón nhập khẩu.

2. Nhập khẩu phân bón không cho mục đích kinh doanh thương mại

Theo quy định hiện hành, nếu phân bón được nhập khẩu không phải cho mục đích kinh doanh thương mại thì chỉ cần xin giấy phép nhập khẩu phân bón mà không cần phân bón phải được cấp Quyết định công nhận lưu hành phân bón.

Các trường hợp được phép nhập khẩu phân bón không cho mục đích kinh doanh thương mại gồm:

  • Phân bón để khảo nghiệm;
  • Phân bón dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí;
  • Phân bón sử dụng trong dự án của nước ngoài tại Việt Nam;
  • Phân bón làm quà tặng, làm hàng mẫu;
  • Phân bón tham gia hội chợ, triển lãm;
  • Phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học;
  • Phân bón làm nguyên liệu để sản xuất phân bón khác;
  • Phân bón tạm nhập, tái xuất hoặc phân bón quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam; phân bón gửi kho ngoại quan; phân bón nhập khẩu vào khu chế xuất.

Tùy thuộc vào từng mục đích mà sẽ có yêu cầu khác nhau về bộ tài liệu để xin giấy phép nhập khẩu.

Tuy nhiên, phương thức này sẽ thực hiện xin cấp giấy phép theo từng năm và số lượng phân bón được phép nhập khẩu sẽ bị giới hạn tùy thuộc vào từng mục đích được phép nhập khẩu nêu ở trên.

3. Nhập khẩu theo ủy quyền

Đối với doanh nghiệp muốn nhập khẩu phân bón nhưng chưa được cấp Quyết định công nhận lưu hành hoặc cũng không đáp ứng các điều kiện để nhập khẩu phân bón cho mục đích phi thương mại thì có thể nhập khẩu theo dạng ủy quyền.

Nhập khẩu theo ủy quyền tức là đại diện cho chủ thể đáp ứng điều kiện nhập khẩu để thay mặt họ nhập khẩu. Cụ thể là 02 trường hợp sau:

  • Nhận ủy quyền của Doanh nghiệp đã được cấp Quyết định công nhận lưu hành để nhập khẩu phân bón;
  • Nhận ủy quyền của Doanh nghiệp sản xuất phân bón để nhập khẩu phân bón làm nguyên liệu cho họ sản xuất phân bón khác.

Trên đây là 03 cách để trả lời cho câu hỏi làm thế nào để nhập khẩu phân bón vào Việt Nam.

Đối với thủ tục chi tiết để xin giấy phép nhập khẩu phân bón, có thể tham khảo tại đây.