5 câu hỏi thường gặp khi tham gia phỏng vấn ở công ty luật

Sau nhiều năm tham gia ở vai trò quản lý nhân sự và phụ trách khâu tuyển dụng, đào tạo nhân sự ở công ty luật, tôi muốn chia sẻ cho các bạn sinh viên luật đã và sắp tốt nghiệp về 5 câu hỏi thường gặp khi tham gia phỏng vấn ở công ty luật, áp dụng cho cả vị trí thực tập sinh cũng như là nhân viên pháp lý chính thức.

Đây chỉ là chia sẻ dưới góc độ trải nghiệm của bản thân tôi nên tôi hi vọng các bạn đón nhận nó như một nguồn để tham khảo và vì đây là quan điểm cá nhân nên tôi cũng xin phép không tranh luận hay phản biện đối với các ý kiến trái chiều đối với nội dung trong bài viết này.

5 câu hỏi thường gặp khi tham gia phỏng vấn ở công ty luật:

1. Hãy giới thiệu về bản thân   

Đây là một câu hỏi rất quen thuộc trong các buổi phỏng vấn bởi vì nó như câu hỏi “Bạn tên gì?” giữa hai người lần đầu tiên gặp nhau. Thông thường, để đến bước phỏng vấn thì trước đó đã có vòng tuyển chọn hồ sơ. Các nhà tuyển dụng phần lớn đã xem qua hồ sơ ứng viên trước buổi phỏng vấn, tuy nhiên vì thường xem nhiều hồ sơ nên khả năng nhớ chính xác từng ứng viên là tương đối khó, nên đây là lúc để bạn gây ấn tượng với người tuyển dụng bằng cách có một phần giới thiệu ngắn gọn, đi vào trọng tâm. Lưu ý là cũng không nên đọc lại giống hệt như nội dung trong CV các bạn đã nộp, như vậy sẽ không gây được nhiều ấn tượng cho người tuyển dụng vì các thông tin này đã có trong CV họ đang cầm trên tay. Ngoài ra, cũng không nên giới thiệu quá nhiều ở phần này, điểm mạnh và điểm yếu có thể nói sau khi nhà tuyển dụng hỏi.

2. Ứng viên định hướng sẽ theo đuổi mảng luật sư tư vấn hay tố tụng?

Đây là một câu hỏi trọng tâm để xác định xem định hướng của ứng viên có phù hợp với lĩnh vực hoạt động của công ty hay không. Hiện nay đối với lĩnh vực hoạt động của công ty luật thường chia làm hai mảng là mảng tư vấn và tố tụng. Các công ty luật hầu như đều sẽ có cả 2 mảng này, tuy nhiên tuỳ vào thời điểm tuyển dụng, văn phòng đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho mảng nào.

Đối với câu hỏi này thì cá nhân tôi nghĩ các bạn nên trả lời rõ ràng và thẳng thắn, tránh trường hợp trả lời nước đôi như là “em dự định sẽ thử nghiệm cái này một xíu, cái kia một xíu để xem mình hợp với mảng nào”, thông thường nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao những bạn đã có định hướng ngay từ đầu mình sẽ theo đuổi mảng nào. Điều này cũng rất quan trọng trong con đường sự nghiệp phía trước của các bạn, vì mảng nào cũng đỏi hỏi các bạn phải theo đuổi nó trong vài năm thì mới thực sự thấy kết quả và thành quả, nên nếu không định hướng rõ ràng và kiên trì theo đuổi thì sẽ rất dễ lãng phí thời gian.

3. Điểm mạnh và điểm yếu của ứng viên

Tôi nhớ có trong một lần tôi tham gia tuyển dụng vị trí thực tập sinh pháp lý, có một em sinh viên năm 3 đã nói với tôi rằng, sao câu hỏi này công ty nào cũng hỏi. Tôi cũng phải thừa nhận là tôi có vài giây ngây người vì bất ngờ khi nhận được câu hỏi này từ em ấy.

Đúng là câu hỏi nghe có vẻ khá quen thuộc và nhàm chán, nhưng thực sự đây là một câu hỏi có tính phân loại về tính cách rất cao. Thông thường các bạn sẽ luôn chuẩn bị phần trả lời cho câu hỏi này trước ở nhà vì chắc chắn bất kỳ công ty nào cũng hỏi. Nó là câu để giúp người tuyển dụng hiểu rõ hơn về khả năng, tính cách của ứng viên. Vì vậy, hãy chuẩn bị một câu trả lời cụ thể, rõ ràng, đầy đủ và trung thực. Đây không phải là câu hỏi để các bạn “chém gió” những thứ mình không có, sẽ rất khó để các bạn qua mắt được nhà tuyển dụng.

4. Tự đánh giá khả năng tiếng Anh của ứng viên như thế nào?

Thường thì trình độ tiếng Anh cũng đã có trong các bằng cấp, chứng chỉ mà các bạn nộp trong hồ sơ ứng tuyển. Tuy  nhiên, các nhà tuyển dụng vẫn hay kiểm tra lại về khả năng thực tế của các bạn để biết mức độ tiếng Anh nghe, nói, đọc, viết như thế nào. Đối với câu hỏi này thì mình cũng nên trả lời rõ ràng về mức độ của mình. Ví dụ đối với khả năng nghe thì nghe tốt, nói thì ở mức cơ bản có thể giao tiếp thông thường,.. Đối với các bạn mà tiếng Anh mình tự đánh giá chưa phải thế mạnh của mình thì bạn nên trình bày thêm về kế hoạch cụ thể để cải thiện khả năng tiếng Anh của mình từ lúc này để cho nhà tuyển dụng hiểu được mình vẫn đang nỗ lực để cải thiện.

5. Ứng viên muốn làm việc trong môi trường như thế nào?

Đây là câu hỏi để nhà tuyển dụng đánh giá xem ứng viên có phù hợp với văn hoá của công ty hay không. Môi trường làm việc của công ty có đáp ứng đúng nguyện vọng của ứng viên hay không. Điều này rất quan trọng để đánh giá xem ứng viên và công ty có sự tương thích với nhau hay không. Mỗi người đều sẽ có mong muốn riêng về nơi mà mình sẽ làm việc, vì vậy hãy trả lời rõ ràng nơi bạn muốn làm việc là một nơi như thế nào. Ứng viên được lựa chọn không phải là người giỏi nhất mà là người phù hợp nhất.

Bài viết là 5 câu hỏi thường gặp khi tham gia phỏng vấn ở công ty luật. Tôi hi vọng là nó hữu ích đối với các bạn.

Chúc các bạn thành công.