Sài Gòn, thành phố của hăng say lao động

Hiếm khi ở đâu lại dễ thấy tình yêu lao động như Sài Gòn.

Chiều 30 Tết chạy xe đi ngang quán hủ tiếu gõ của Chín, đi nhưng nghĩ chắc mẩm là bả về quê ăn Tết rồi, chạy èo qua rồi lại phải de lại vì bất ngờ khi thấy cô vẫn còn bán.

Tôi hỏi: “Chín chưa dìa quê hả?

Bả cười bả nói: “Tau không dìa, tau dìa ai nấu cho bây ăn”.

Nghe ấm bụng thiệt sự. Có lẽ người ta cũng không phải ham thêm gì ba đồng bạc mà chắc có lẽ họ muốn những người quen lúc chạy qua thì thấy vẫn có họ ở đó, như cái cách Sài Gòn vẫn ở đó, dang rộng tay với tất cả mọi người.

Đêm giao thừa, lần đầu tiên chạy ngoài đường, đập vào mắt là những chậu hoa vỡ vụn lăn lóc ngoài đường, trong lòng nghĩ mấy cô chú lao công lại mệt rồi đây, chắc đêm nay phải dọn nhiều, rồi không kịp đoàn viên với gia đình trong khoảnh khắc giao thừa. Vậy mà, nhìn qua góc đường thấy họ vừa làm vừa nói cười rôm rả cả góc đường. Hẳn đó là tình yêu với nghề, với những điều tốt đẹp mà họ đang làm.

Rồi mùng 1, mùng 2 trên đường đi chơi, thiệt bất ngờ vì có những mớ rau, những quả bắp, những hàng quán ven đường vẫn mở bán, tôi trộm nghĩ sao ngồi thấy quạnh quẽ thế kia buồn quá, sao họ không cho bản thân lấy ngày nghỉ, tiền kiếm hôm nay có bù đắp cho mớ vui vẻ mất đi, nhưng rồi mình ngộ ra, có những người họ yêu hoặc họ quen với công việc họ làm mỗi ngày, nên vẫn cứ đi làm mới thấy vui.

Vậy đó, ở Sài Gòn rất dễ bắt gặp những hình ảnh hăng say lao động trên khắp các nẻo đường.

Rồi những ngày này, Sài Gòn bị ốm, bị thương nặng, những dì Chín, chú Tư đều lần lượt phải rời đi, bởi họ không thể tiếp tục trụ lại nơi đây. Sài Gòn mấy bữa nay đang gồng mình để thở, để vượt qua, để mong chờ ngày mai bình minh lại đến.