Từ bi kịch đến niềm hi vọng trong “Ngàn mặt trời rực rỡ” và “Người đua diều”

Dạo gần đây, báo chí đưa tin rất nhiều về sự kiện Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và các diễn biến những ngày sau sự kiện này. Chắc cũng như tôi, nhiều người không khỏi ám ảnh cái hình ảnh người rơi từ máy bay do cố gắng bu bám vào máy bay. Họ mang theo niềm hi vọng thoát khỏi nơi mà họ đang sống thậm chí họ biết có thể họ sẽ chết trên đường.

Bất giác tôi hồi tưởng lại hai tác phẩm kinh điển của nhà văn Hosseini mà tôi đã đọc cách đây rất lâu, đó là tác phẩm “Ngàn mặt trời rực rỡ” và “Người đua diều”.

Tác giả Hosseini, qua từng con chữ, tả thực đến nỗi làm tôi đã tưởng như chính mình từng bị ai đó thả xuống vùng đất Kabul, lang bạt nhiều ngày ở nơi đầy đau thương đó, không có chút hi vọng sống. Qua từng trang giấy, tôi khóc rồi cười cùng Hassan, Amir hay Mariam.

Nhưng thật may cái kết của hai tác phẩm đều thắp lên hi vọng và cho con người ta quyền để hi vọng.

Cứ ngỡ đó đã là chuyện của mấy chục năm về trước, cứ tưởng họ đã bước ra được khỏi bỉ kịch, nào ngờ, sau chừng ấy năm, sau bao cuộc chiến tranh bom đạn, mọi thứ dường như đang quay trở lại đối với Afghanistan. Rồi sẽ còn những số phận như Hassan, Amir hay Mariam trong bao lâu nữa?

Chúng ta không được lựa chọn nơi mình sinh ra nhưng chúng ta vẫn có niềm hi vọng về hạnh phúc ở phía trước.

Đây là 2 tác phẩm kinh điển, thích hợp dành cho các tín đồ muốn tìm hiểu về văn hoá, chính trị, xã hội cũng như những ai đang quan tâm về Kabul dưới thời của Taliban hơn hai mươi năm trước.