Một số thuật ngữ cần biết khi sản xuất, kinh doanh phân bón

Hiện nay, theo quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư năm 2020, kinh doanh phân bón thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Vì là ngành có điều kiện nên khi sản xuất, kinh doanh phải tuân theo sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật.

Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ liệt kê một số thuật ngữ mà hiện nay các văn bản pháp luật điều chỉnh về sản xuất và kinh doanh phân bón có đề cập, cụ thể là Luật Trồng trọt năm 2018 và Nghị định 84/2019/NĐ-CP về quản lý phân bón.

Một số thuật ngữ quan trọng như sau:

  • Phân bón là sản phẩm có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng hoặc có tác dụng cải tạo đất để tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng;
  • Khảo nghiệm phân bón là hoạt động theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu nhằm xác định phương thức sử dụng, tác động đến môi trường, hiệu quả nông học, hiệu quả kinh tế của phân bón;
  • Khảo nghiệm diện hẹp là khảo nghiệm được tiến hành trên đồng ruộng, diện tích ô nhỏ, có lặp lại, bố trí thí nghiệm theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp khảo nghiệm đối với đối tượng được khảo nghiệm;
  • Khảo nghiệm diện rộng là khảo nghiệm được tiến hành trên đồng ruộng, diện tích ô lớn, không lặp lại, bố trí thí nghiệm theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp khảo nghiệm đối với đối tượng được khảo nghiệm;
  • Chỉ tiêu chất lượng phân bón là thông số kỹ thuật về đặc tính, thành phần, hàm lượng phản ánh chất lượng phân bón được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng tương ứng;
  • Chỉ tiêu chất lượng chính của phân bón là chỉ tiêu chất lượng phân bón có vai trò quyết định tính chất, công dụng của phân bón được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và sử dụng để phân loại phân bón;
  • Chỉ tiêu chất lượng bổ sung của phân bón là chỉ tiêu chất lượng phân bón có ảnh hưởng đến tính chất, công dụng của phân bón nhưng không thuộc chỉ tiêu chất lượng chính, được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và không được sử dụng để phân loại phân bón
  • Nguyên tố dinh dưỡng trong phân bón là nguyên tố hóa học cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng;
  • Yếu tố hạn chế trong phân bón là những yếu tố có nguy cơ gây độc hại, ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
  • Sản xuất phân bón là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động phối trộn, pha chế, nghiền, sàng, sơ chế, ủ, lên men, chiết xuất, tái chế, làm khô, làm ẩm, tạo hạt, đóng gói và hoạt động khác thông qua quá trình vật lý, hóa học hoặc sinh học để tạo ra sản phẩm phân bón;
  • Buôn bán phân bón là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác để đưa phân bón vào lưu thông
  • Phân bón không bảo đảm chất lượng là phân bón có chỉ tiêu chất lượng, yếu tố hạn chế không phù hợp với Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
  • Phân bón giả về chất lượng là phân bón có một hoặc nhiều chỉ tiêu chất lượng chính chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức đăng ký trong Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam (trừ chỉ tiêu chất lượng chính là vi sinh vật);
  • Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho loại phân bón do tổ chức đứng tên đăng ký lưu hành được công nhận lưu hành tại Việt Nam để được sản xuất, nhập khẩu và buôn bán tại Việt Nam.

Lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phân bón là lĩnh vực tương đối phức tạp và cần phải tuân thủ nhiều điều kiện, vì vậy các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào lĩnh vực này cần nắm rõ các thuật ngữ để có thể vận dụng chính xác các quy định pháp luật điều chỉnh cho từng hoạt động.